Một số người khẳng định “đồng tiền bổ sung” có thể cứu sống người dân trong thời kỳ suy thoái, giúp thành phố vượt qua khó khăn kinh tế bằng loại tiền kỳ lạ - “đô la gỗ”.
Trong căn phòng phía sau của Bảo tàng Tenino Depot, một tòa nhà bằng đá sa thạch khiêm tốn tại một thành phố chưa đầy 2.000 dân thuộc Washington, có một cỗ máy cũ ọp ẹp mà chính quyền địa phương tin rằng có thể giúp cứu cộng đồng khỏi sự sụp đổ kinh tế: in tiền từ gỗ.
Đồng đô la bằng gỗ tại Tenino có giá trị tương đương đồng USD thật (Nguồn: Bloomberg)
Loại "đô la gỗ" này ra mắt vào tháng 5 năm nay. Có kích thước bằng một chiếc thẻ ATM, "đô la gỗ" được trao cho những người dân địa phương đang gặp khó khăn về tài chính. Được chốt theo tỷ giá đô la Mỹ thực, đồng tiền này có thể được chi tiêu ở khắp mọi nơi, từ cửa hàng tạp hóa đến trạm xăng và trung tâm chăm sóc trẻ em. Sau này, chủ sở hữu có thể đổi để lấy tiền USD.
“Chúng tôi muốn đây là một biểu tượng của hy vọng,” thị trưởng của Tenino, Wayne Fournier, cho biết. “Chúng tôi luôn tuyên truyền về chủ nghĩa địa phương và đầu tư vào cộng đồng địa phương. Với kế hoạch này, chúng tôi sẽ sát cánh cùng nhau như một cộng đồng và cứu trợ những cá nhân khó khăn đồng thời tiếp thêm nhiên liệu cho tiêu dùng”.
Thực tế, Tenino từng sử dụng đô la gỗ trong những ngày đen tối nhất của cuộc Đại suy thoái trong thập niên 30. Ngân hàng duy nhất của thành phố khi đó đóng cửa và các doanh nhân địa phương quyết định làm tiền gỗ để giúp hoạt động thương mại được tiếp tục duy trì. Đây là chương trình in tiền địa phương đầu tiên xuất hiện tại Mỹ. “Nó đã hoạt động một cách hoàn hảo”, Fournier cho biết.
Nhiều nơi cũng sử dụng “tiền tệ thay thế” để cứu vãn nền kinh tế địa phương (Nguồn: Bloomberg)
Kể từ khi ra mắt vào tháng 5, các thành phố từ Arizona đến Montana và California đã liên hệ với Tenino để được tư vấn về cách thức sử dụng đồng “đô la gỗ” của riêng họ. Fournier cho biết thêm: “Chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo trong năm 2020. Nhưng các thành phố như của chúng ta cần phải tìm ra những cách thích hợp để có thể hoạt động bền vững mà không cần dựa vào thế giới rộng lớn hơn.”
Ý tưởng "tiền tệ bổ sung" này đã tồn tại trong nhiều thế kỷ. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Papers in Poli Economic năm 2018, có 3.500 đến 4.500 hệ thống như vậy đã được ghi nhận ở hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Thông thường, chúng là đơn vị tiền tệ địa phương, chỉ có thể được trao đổi giữa mọi người và các doanh nghiệp trong một khu vực, thị trấn hoặc thậm chí một vùng lân cận. Nhiều chương trình chỉ giới hạn cho những người đã đăng ký chương trình. Chúng thường hoạt động song song với đồng tiền chính thức của quốc gia chứ không có vai trò thay thế.
Chúng có nhiều hình thức khác nhau nhưng rất ít nơi chọn in tiền trên giấy. Nhiều loại "tiền tệ bổ sung" ngày nay hoàn toàn là kỹ thuật số hoặc được giao dịch qua thẻ thông minh, ra đời để đáp ứng các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường khác nhau.
Lấy cảm hứng từ công nghệ blockchain, thành phố Hull ở phía bắc nước Anh đã tạo ra tiền tệ địa phương bằng hình thức kỹ thuật số đầu tiên trên thế giới vào năm 2018, chiết khấu lên đến 50% hàng hóa và dịch vụ cho những người làm việc tình nguyện tại các tổ chức địa phương.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét