Mặc dù mới chỉ “nghe phong thanh” về việc một số đơn vị đang “xin” cấp dự án, các sàn bất động sản đã khẳng định, mua đất ở giai đoạn sắp có dự án sẽ có lợi nhuận cao.
Hà Nội quy hoạch các đô thị vệ tinh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 bao gồm đô thị Hoà Lạc, Sơn Tây, Phú Xuyên, Xuân Mai, Sóc Sơn. Chính bởi các đô thị được định hướng phát triển hoàn chỉnh, đồng bộ từ hạ tầng kỹ thuật đến hạ tầng xã hội mà giá đất ở khu vực cũng "nhảy nhót".
Điển hình như tại vùng lân cận khu đô thị Hoà Lạc, khu công nghệ cao Hoà Lạc.
Anh N.A.X (36 tuổi) – nhân viên một trung tâm bất động sản tại Hà Nội khẳng định: "Giá đất tăng lên mỗi ngày. Đặc biệt là từ cuối tháng 6/2020, khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung đô thị vệ tinh Hoà Lạc, những người đầu cơ đất ở khu vực này có thể hưởng lợi từ 2 – 4 giá chỉ trong khoảng 3 tháng".
Môt khu đất tại xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất đã được phân lô
Anh X cho biết bản thân đang rao bán một số lô ở khu vực xã Đồng Trúc, huyện Thạch Thất với giá dao động từ khoảng 13 – 14 triệu đồng/m2, tuỳ vị ví ô đất là lô góc hay lô thường, trục chính hay trục phụ.
Vì trung tâm N.P của anh X "làm" bất động sản ở khu vực cận kề đô thị Hoà Lạc đã được hơn 2 năm nên anh X khẳng định chắc nịch: "Giá đất ở khu vực chỉ tăng chứ không giảm".
Anh này nói với phóng viên (trong vai "nhà đầu tư"): "Mặc dù những lô đất tôi bán không thuộc dự án nào cả, nhưng đây là khu đất nhỏ của thôn Đồng Kho và tất cả đều đã được tách sổ nên được phân lô rõ ràng. Nếu bạn mua ở thời điểm này thì chắc chắn, sẽ rất được giá. Những người đầu tư đất ở đây đều có thể hưởng lời từ 2-4 giá chỉ trong khoảng 1-3 tháng".
Mặc dù khu đất được phân lô và có biển quảng cáo rất hấp dẫn nhưng tất cả đều không có cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như quy định.
Lý giải cho hiện tượng giá đất chỉ có tăng chứ không giảm, anh X cho rằng: "Giá đất tăng theo hạ tầng, nghĩa là khi nhà nước phê duyệt khu công nghệ cao hoặc xuất hiện thêm nhà máy, các tuyến đường được mở rộng thì giá đất sẽ tăng theo. Hơn nữa, khu vực này vừa là nơi để cán bộ công nhân viên làm việc ở trong khu công nghệ cao định cư, lại vừa gần trung tâm Hà Nội nên chắc chắn, đầu tư ở giai đoạn này sẽ không mất giá".
Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, hiện tượng đất "sốt" không chỉ diễn ra ở khu vực xã Đồng Trúc, mà tất cả những khu vực cận kề các dự án đều được giới đầu tư "quan tâm". Những khu đất càng cận kề các dự án, nhà máy thì giá càng "nhảy nhót", như khu vực xã Tân Xã, xã Bình Yên, xã Hạ Bằng thuộc huyện Thạch Thất.
Là người dân sinh sống tại xã Đồng Trúc, anh N.H.T (48 tuổi) cho biết, đất ở khu vực xã Đồng Trúc và lân cận chủ yếu là đất ruộng, đất canh tác. Một số khu vực là đất giãn dân. Những nơi đất giãn dân thì người dân đã xây tường gạch theo lô được phân.
Trước năm 2018, giá đất tại khu vực chỉ dạo động từ 4-6 triệu đồng/m2 nhưng giá bây giờ thì phải ít nhất hơn 10 triệu đồng/m2.
Anh T cho biết, giá đất ở xã Đồng Trúc là "mềm" nhất trong khu vực. Đối với đất trong ngõ thì cứ khoảng 3 tháng lên được nửa giá, còn những nơi có vị trí thuận lợi hơn thì dễ bán và giá chênh cũng cao hơn.
Đơn cử như khu vực xã Tân Xã. Do khu vực này gần với cổng chính của khu công nghệ cao, lại liền với trục đường liên xã nên giá đất luôn dao động từ 30 – 50 triệu đồng/m2.
Anh T cho biết, có thời điểm, đất ở khu vực xã Đồng Trúc rất "sốt", lên đến hơn 20 triệu/m2 nhưng chỉ ít ngày sau đó, giá đất lại hạ chỉ còn hơn 10 triệu đồng/m2. Vì có thông tin 3 dự án đang xin quy hoạch nên ở thời điểm này, đa phần các chủ đất sẽ "om".
Mặc dù đại diện UBND xã Đồng Trúc khẳng định, các lô đất mà PV Báo Gia đình & Xã hội đề cập đều đã được cấp sổ đỏ và phân lô theo từng sổ, tuy nhiên, ông Nguyễn Hữu Cường – Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội lại cảnh báo, người dân nên tỉnh táo khi quyết định mua đất phân lô.
Ông Nguyễn Hữu Cường lý giải, theo Điều 2 Luật đất đai, đất có thể thuộc sở hữu của người dân hoặc tổ chức, công ty. Tuy nhiên, các dự án phân lô bán nền do công ty là chủ sở hữu thì trước khi rao bán, phân phối phải đảm bảo các điều kiện về mặt pháp lý, bao gồm: Hoàn thành giải phóng mặt bằng; hoàn thành nghĩa vụ về tài chính; có sổ đỏ; các cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ dự án, hồ sơ thi công; có giấy phép xây dựng đối với các dự án mà luật quy định; phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất, phải hoàn thành kết cấu hạ tầng, bao gồm: Các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt.
Ngoài ra, một số dự án nằm trong khu đô thị đã có giấy phép xây dựng thì phải có biên bản nghiệm thu xây dựng cơ sở hạ tầng.
Tuy nhiên, hiện nay, đang tồn tại tình trạng các trung tâm bất động sản phân phối đất tự phân lô dưới danh nghĩa "uỷ thác" từ các nhà đầu tư cá nhân.
Ông Cường nhận định, trong thời gian tới, giá đất tại khu vực đô thị Hoà Lạc sẽ tiếp tục tăng giá nhưng chỉ tăng cục bộ, tăng ở tuỳ vị trí.
Mặc dù nhà nước không cấm các cá nhân tự phân lô đất nhưng người mua cũng nên thận trọng với hiện tượng thổi giá ảo, nhất là ở các dự án được quảng cáo phân lô.
Ông Cường nhấn mạnh: "Để đảm bảo an toàn thì người mua cần phải kiểm tra kỹ khu đất có ý định mua, có thể hỏi chính quyền địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước để đối chứng thông tin".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét