Công ty CP Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki được thành lập với tham vọng trở thành nhà sản xuất ôtô Việt đầu tiên, nhưng sau gần 10 năm vận hành đã rơi vào thua lỗ và đóng cửa. Giờ đây, tài sản còn lại là khối nhà xưởng “sắt vụn” và khoản nợ nghìn tỷ từ các ngân hàng.
Ngân hàng “5 lần 7 lượt” phát mãi bất thành
Vietcombank chi nhánh Thăng Long vừa đăng thông báo phát mại hệ thống nhà xưởng, máy móc thiết bị nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa. Được biết, đây là lần thứ 5 ngân hàng này thông báo bán thanh lý tài sản của nhà máy sản xuất lắp ráp ôtô nói trên.
Hệ thống xưởng, máy móc thiết bị nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa
Giá khởi điểm lần đầu là 44,3 tỷ đồng (tháng 4/2020), giá rao bán lần thứ 5 của Vietcombank đã giảm 8 tỷ, còn 36,3 tỷ đồng, tương đương mức giảm 18% chỉ sau 4 tháng. Trong 4 lần rao bán trước đó, dù liên tục hạ giá tài sản đảm bảo của khoản nợ, nhưng không có bất kỳ nhà đầu tư nào đứng ra mua lại.
Hệ thống nhà xưởng và máy móc thiết bị của Nhà máy Vinaxuki Thanh Hóa tại huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) bao gồm toàn bộ tài sản gắn liền với đất của dự án.
Trong đó, tài sản gắn liền với đất gồm toàn bộ tài sản trên đất được hình thành thuộc dự án xây dựng Cụm các nhà máy sản xuất, lắp ráp ôtô, máy xây dựng Vinaxuki Song Lộc. Diện tích sử dụng là 456.344 m2 và diện tích nhà xưởng xây dựng khoảng 36.000 m2, thời hạn sử dụng đất đến ngày 26/1/2059.
Tài sản là máy móc thiết bị của Vinaxuki Thanh Hóa bao gồm cẩu trục 10 tấn, cẩu trục 5 tấn, 2 máy nén khí, máy sấy khí, 4 máy cán tôn thủy lực và các loại máy xúc, máy ủi…
Đáng chú ý, Vietcombank không phải ngân hàng đầu tiên rao bán tài sản và khoản nợ có liên quan tới Vinaxuki. Tháng 2 đầu năm, ngân hàng BIDV cũng ra thông báo bán đấu giá khoản nợ của Công ty CP Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki và Công ty TNHH MTV Ôtô Xuân Kiên Vinaxuki Thái Nguyên.
Đây là khoản nợ đã được BIDV giải ngân cho Vinaxuki và nhà máy tại Thái Nguyên vay để vận hành sản xuất ôtô “made in Vietnam” từ những năm trước đó.
Tổng dư nợ gốc và lãi đến cuối năm 2019 là 1.265 tỷ đồng. Tài sản bảo đảm gồm 1 lô đất và tài sản gắn liền tại xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (Hà Nội), tổng diện tích 138.814 m2. Đây cũng chính là nơi đặt nhà máy sản xuất của Vinaxuki.
Ngoài ra, máy móc thiết bị tại Nhà máy Vinaxuki Mê Linh, quyền khai thác mỏ quặng Antimon và dây chuyền tuyển quặng tại xã Đắk Drông, huyện Cư Jút (Đắk Nông); tài sản gắn liền với đất của Nhà máy Vinaxuki Thái Nguyên (Thái Nguyên) cũng được cầm cố cho khoản nợ kể trên.
“Cánh chim đầu đàn” ngành ô tô nội gãy cánh
Vinaxuki là doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ôtô đầu tiên tại Việt Nam do đại gia một thời Bùi Ngọc Huyên sở hữu với tham vọng “made in Vietnam” ngành công nghiệp bốn bánh.
Vinaxuki từng dẫn đầu thị trường trong nước đối với dòng xe tải hạng nhẹ
Trong giai đoạn 2006-2008, Vinaxuki của ông Bùi Ngọc Huyên từng dẫn đầu thị trường trong nước đối với dòng xe tải hạng nhẹ. Vinaxuki đã sản xuất trên 20 dòng xe tải với tỷ lệ nội địa hóa 27% và 3 dòng xe hơi với tỷ lệ nội địa hóa 5%. Những năm này, hoạt động của nhà máy đều có lãi. Sau 3 năm đi vào hoạt động, Vinaxuki đã thu hồi xong vốn, trả nợ cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, sai lầm về chiến lược phát triển cùng những lý do khách quan khác đã khiến tên tuổi của Vinaxuki rơi dần vào quên lãng.
Ông Bùi Ngọc Huyên đã không còn tập trung cho dòng xe tải mà theo đuổi giấc mơ sản xuất ô tô Made in Vietnam trong bối cảnh thị trường đã có sự hiện diện của những “ông lớn” ngoại có tuổi đời cả trăm năm.
Bên cạnh đó, từ năm 2010 là giai đoạn nền kinh tế khó khăn đã khiến thị trường ôtô suy giảm, hàng nghìn xe lắp ráp xong không bán được, xe bán được cũng phải giảm giá đã khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh khủng hoảng về vốn.
Những chiếc xe mang logo Vinaxuki bị bụi phủ đầy
Lãnh đạo công ty này từng chia sẻ với báo giới rằng công ty không được vay vốn dài hạn mà phải vay ngắn hạn với lãi suất cao. Lúc bình thường vay vốn ngắn hạn, quay vòng trả nợ được, nhưng vào thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2011-2012, sản phẩm ứ đọng, không có tiền để trả ngân hàng.
Đến năm 2013, tổng dư nợ của Vinaxuki tại 4 ngân hàng lên đến 940 tỷ đồng. Ông Bùi Ngọc Huyên, Tổng giám đốc cho biết đã phải bán nhà cửa, vét từng đồng lấy tiền trả lãi để được tái cơ cấu từ vốn vay ngắn hạn sang dài hạn nhưng các ngân hàng cũng không cho vay nữa.
Nhà máy rơi vào tình trạng không còn tiền để trả lương người lao động, mua nguyên liệu, các dây chuyền sản xuất dần ngừng hoạt động ở Thanh Hóa, Mê Linh và Đắk Nông. Sau đó, Vinaxuki bị đưa vào nợ xấu nhóm 4 và yêu cầu bàn giao tài sản để ngân hàng bán.
Cách đây 1 năm được biết có một số doanh nghiệp tìm đến, nhưng họ chủ yếu muốn mua lại máy móc dưới dạng chẻ nhỏ với giá sắt vụn. Đáng chú ý là một doanh nghiệp ô tô lớn trong nước đã khảo sát và đưa ra giá mua lại toàn bộ các dây chuyền của nhà máy ô tô với giá 670 tỷ đồng, nhưng cuối cùng không thành.
Số phận của Vinaxuki khiến nhiều người không khỏi xót xa về một giấc mơ ô tô thương hiệu Việt, của người Việt, cho dù đến nay thị trường đã có xe hơi Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét