Gelex của ông Nguyễn Văn Tuấn thâu tóm toàn bộ một công ty dây cáp điện
HĐQT Tổng CTCP Thiết bị điện Việt Nam (Gelex - Mã: GEX) vừa ra nghị quyết chuyển nhượng toàn bộ 36,35% vốn điều lệ tại Công ty Dây đồng Việt Nam CFT cho một đơn vị thành viên là CTCP Thiết bị điện Gelex (Gelex Electric).
Theo đó, Thiết bị điện Gelex nâng tỉ lệ nắm giữ tại Dây đồng Việt Nam CFT lên 100% vốn điều lệ. Đây là công ty con thứ 5 của Thiết bị điện Gelex, ngoài Cadivi, Điện cơ Hà Nội, Thibodi và Thiết bị đo điện EMIC.
Chân dung đại gia 8x Nguyễn Văn Tuấn.
Theo báo cáo tài chính riêng bán niên 2020 của Gelex, phần vốn công ty trực tiếp sở hữu tại Dây đồng Việt Nam CFT trị giá hơn 69 tỉ đồng.
Thông tin chi tiết về Dây đồng Việt Nam CFT, đơn vị này hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được thành lập từ năm 2002. Công ty có trụ sở tại khu công nghiệp Biên Hòa 1, tỉnh Đồng Nai.
Trong một diễn biến gần đây, Thiết bị điện Gelex thông báo đăng kí mua vào 3 triệu cổ phiếu THI của CTCP Thiết bị điện (Thibidi) nhằm gia tăng tỉ lệ sở hữu lên 90,76%. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức thoả thuận và khớp lệnh từ ngày 14/9 đến ngày 13/10.
Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lỗ gần 5.100 tỷ đồng
Trong bản báo cáo tóm tắt một số chỉ tiêu tài chính cơ bản của doanh nghiệp 6 tháng đầu năm gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, Công ty Cổ phần Vinpearl cho biết mức lỗ sau thuế bán niên lên tới 5.097 tỷ đồng.
Cùng kỳ năm trước, công ty con của Vingroup lỗ ròng 1.689 tỷ đồng. Mức lỗ nửa đầu năm 2020 của Vinpearl cũng cao hơn con số lỗ sau thuế 4.036 tỷ của cả năm 2019.
Vinpearl của tỷ phú Phạm Nhật Vượng lỗ gần 5.100 tỷ đồng
Vì mức lỗ lớn, giá trị vốn chủ sở hữu của Vinpearl giảm từ 7.787 tỷ xuống còn 2.068 tỷ đồng sau 6 tháng. Trước đó, vốn chủ sở hữu của Vinpearl cuối tháng 6/2019 lên tới hơn 13.200 tỷ. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của công ty con Vingroup tại thời điểm 30/6 âm 246%, tăng vọt so với mức 12,8% cùng kỳ năm trước và 51,8% cuối năm 2019.
Ngoài ra, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Vinpearl đến cuối tháng 6 lên tới 22,6 lần. Cùng kỳ năm trước, hệ số này của công ty mới là 2,2, còn cuối năm 2019 là 4,9 lần.
Shark Thuỷ huy động 300 tỉ đồng trái phiếu
Mới đây, HĐQT CTCP Đầu tư Apax Holdings (IBC) công bố nghị quyết phê duyệt phương án phát hành 300 tỉ đồng trái phiếu riêng lẻ kì hạn 3 năm trong năm 2020. Mệnh giá 1 tỉ đồng/trái phiếu.
Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản. Tiền lãi trái phiếu thanh toán 6 tháng/lần với lãi suất cố định là 12,5%/năm. Ngày phát hành dự kiến trong quí IV năm nay.
Đối tượng phát hành là các nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước có đủ tiềm lực tài chính. Theo IBC, phần vốn huy động được từ đợt phát hành sẽ được sử dụng để cơ cấu nợ (250 tỉ đồng) và tăng qui mô hoạt động (50 tỉ đồng).
Liên quan đến điều khoản mua lại, trái chủ được quyền yêu cầu IBC mua lại tối đa 50% sau khi trái phiếu được phát hành 12 tháng, 100% sau khi trái phiếu phát hành được 24 tháng.
Sếp công ty thịt lợn thoái vốn khi giá cổ phiếu tăng 250%
Ông Lê Quốc Đoàn, Thành viên HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn Dabaco Việt Nam thông báo đăng ký bán 800.000 cổ phiếu. Nếu giao dịch thành công, lượng cổ phiếu Dabaco của ông Đoàn sẽ giảm từ 1,2 triệu xuống 403.000. Tỷ lệ sở hữu tại Dabaco của thành viên HĐQT này theo đó dự kiến giảm từ 1,2% xuống 0,4%.
Ông Đoàn cho biết mục đích bán cổ phiếu để giải quyết công việc gia đình. Giao dịch dự kiến diễn ra từ ngày 21/9 đến 20/10 theo hình thức thỏa thuận và khớp lệnh.
Tạm tính theo mức giá 46.400 đồng/cổ phiếu Dabaco chốt phiên giao dịch 17/9, số tiền ông Lê Quốc Đoàn thu về nếu bán hết 800.000 cổ phiếu ước tính khoảng 37 tỷ đồng.
Masan Consumer của Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang dự kiến phát hành gần 4 triệu cổ phiếu ESOP
HĐQT Công ty Hàng tiêu dùng Masan (Masan Consumer) thông qua phương án phát hành gần 3,9 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tương đương 0,55% vốn. Thời gian thực hiện dự kiến từ 15/9 đến 23/9. Giá phát hành theo công bố trước đó là 50.000 đồng/cp, thấp hơn 32,5% thị giá.
Số cổ phiếu không phân phối hết sẽ bị hủy hoặc phân phối tiếp cho các đối tượng phát hành đã được lựa chọn với giá phát hành cũng là 50.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu ESOP này không hạn chế chuyển nhượng.
Năm 2020, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng 24%-33%, lên khoảng từ 23.000 đến 24.500 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty cũng tăng 14%-22%, lên mức 4.600-4.900 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, công ty có 10.029 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế là 1.867,5 tỷ đồng. Theo phương án thấp, Masan Consumer hoàn thành 44% kế hoạch doanh thu và 41% kế hoạch lợi nhuận.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét