Thị trường bất ngờ tăng hơn 8 điểm và nhẹ nhàng vượt qua ngưỡng cản 850 lên 855 điểm.
Chốt phiên, VN-Index tăng 8,13 điểm (0,96%) lên mốc 855,05 điểm. HNX-Index tăng 0,76 điểm (0,66%) lên mốc 116,87 điểm. Upcom-Index tăng 0,08 điểm (0,15%) lên mốc 56,86 điểm.
VN-Index tăng 8,13 điểm (0,96%) lên mốc 855,05 điểm.
Thanh khoản trên thị trường tiếp tục duy trì ở mức khá với tổng giá trị giao dịch đạt gần 5,7 nghìn tỷ đồng.
Số mã tăng giá phiên này hoàn toàn áp đảo với 389 mã tăng giá cùng 72 mã tăng trần. Ở chiều ngược lại chỉ có 173 mã giảm giá cùng 26 mã giảm sàn.
Trong nhóm VN30, ngoại trừ EIB, NVL đi ngược thị trường chung thì hầu hết đều tăng điểm và tăng khá mạnh. MWG, PNJ, SAB, POW, REE, GAS là những cổ phiếu đạt mức tăng trên 2%.
Trong phiên, cổ phiếu VCB, GAS và SAB là 3 mã đống góp tích cực nhất cho thị trường khi thêm vào cho VN-Index lần lượt 0,9; 0,77 và 0,75 điểm. Trong khi đó, GVR, NLV và DAT thuộc top tác động tiêu cực nhất tới VN-Index.
VIC tăng 0,69% lên mốc 88.000 đồng/cổ phiếu.
Trong phiên này, cổ phiếu VIC của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục thuộc top cổ phiếu tác động tích cực nhất tới thị trường. Chốt phiên, VIC tăng 0,69% lên mốc 88.000 đồng/cổ phiếu. Khối lượng toàn phiên ở mức khá với khối lượng giao dịch đạt gần 460 nghìn cổ phiếu.
Hiện mã cổ phiếu này đang trên đà giảm nhẹ khi tính chung qua 1 tháng đã bay mất 3,72% giá trị. Còn nếu tính qua 1 quý thì VIC mất tới 9,28% giá trị.
Đơn vị thành viên của Vingroup vừa mua hơn 7,7 triệu cổ phiếu VEF.
Liên quan tới mã này, mới đây Công ty Phát triển Thành phố xanh - đơn vị thành viên của Vingroup - vừa mua hơn 7,7 triệu cổ phiếu VEF.
Sau giao dịch, sở hữu của nhóm Vingroup tại Công ty cổ phần Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (VEF) tăng lên gần 88%. Trong đó, Công ty Phát triển Thành phố xanh sở hữu gần 4,7% vốn của VEF, còn Vingroup sở hữu hơn 83,2%.
Giao dịch tăng sở hữu của nhóm cổ đông Vingroup được thực hiện ngay sau khi VEF có tờ trình xin ý kiến cổ đông triển khai 4 dự án lớn của Hà Nội với quy mô đầu tư gần 80.000 tỷ đồng.
Trong đó, dự án Trung tâm hội chợ triển lãm quốc gia dự kiến triển khai tại huyện Đông Anh với quy mô 7.336 tỷ đồng. Ba dự án còn lại là bất động sản nhà ở, khu đô thị, gồm Khu đô thị mới Đông Anh (Vinhomes Cổ Loa), Tổ hợp trung tâm dịch vụ thương mại và nhà ở tại 148 Giảng Võ (Vinhomes Gallery) và Dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long với quy mô lần lượt là 34.879 tỷ, 17.440 tỷ và 19.090 tỷ đồng.
Riêng dự án Vinhomes Gallery, VEF dự kiến góp 20% tổng quy mô, những dự án còn lại là 15%. Tổng số vốn VEF cần góp để đầu tư ba dự án này là gần 11.600 tỷ đồng.
Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam hoạt động chính trong lĩnh vực phát triển bất động sản và tổ chức hội chợ, triển lãm. Đến cuối quý II, tổng tài sản của VEF đạt gần 6.800 tỷ đồng, chủ yếu là khoản tương đương tiền do nhận ứng trước 4.900 tỷ đồng của Vingroup để tăng vốn điều lệ.
Đến ngày 30/6, cổ đông Nhà nước, với đại diện là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nắm giữ 10% vốn của doanh nghiệp này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét